Đối lập với một nghiên cứu đăng tải tháng 2/2013 cho rằng nam giới càng làm nhiều việc nhà càng ít sex, nghiên cứu mới cho thấy những cặp vợ chồng bình đẳng, phân chia đều việc nhà, có đời sống tình dục mặn mà hơn các cặp mà một người phải gánh vác nhiều việc không tên. Như vậy, rõ ràng khoa học không còn ủng hộ các đấng mày râu cứ bỏ đống bát đấy cho vợ nếu muốn giữ lửa chốn phòng the.

Nghiên cứu mới này cũng nhấn mạnh quan hệ hôn nhân là một lĩnh vực có những thay đổi không ngừng. Những điều hai thập kỷ trước cho là có hại cho hôn nhân thì nay lại trở thành có lợi, khi các cặp vợ chồng và xã hội đã cập nhật kiến thức và cả những mong đợi của mình.


Để cập nhật thông tin này, nhà nhân khẩu học xã hội Sharon Sassler, ĐH Cornell (Mỹ) sử dụng dữ liệu từ năm 2006 với các cặp vợ chồng kết hôn trong giai đoạn này và sau những năm đầu 1990. Những cuộc hôn nhân này có khả năng đại diện nhiều hơn cho những gì các cặp vợ chồng ngày nay mong đợi. 
Julie Brines, một nhà xã hội học ở ĐH Washington (Mỹ) và đồng nghiệp đã gây xôn xao vào năm ngoái với một nghiên cứu chỉ ra nam giới làm các việc nhà mà theo truyền thống là do phụ nữ làm như lau dọn, nấu nướng, giặt là, sẽ ít sex hơn các ông chồng tham gia vào hoạt động nam tính như cắt cỏ… Nghiên cứu này thực hiện trên 4.561 cặp đã kết hôn ít nhất 20 năm trước (đa số là kết hôn lâu hơn nữa).

Thực tế, Sassler thấy rằng những cặp vợ chồng dị tính có phân chia việc nhà thì mức độ hài lòng với đời sống chăn gối cao hơn các đôi mà người phụ nữ phải một mình gánh vác. Các đôi bình đẳng cũng có sex thường xuyên chẳng kém gì những cặp phân chia công việc trong gia đình theo giới kiểu truyền thống. Một ngoại lệ là khi phụ nữ hầu như từ chối hoàn toàn việc nhà (rất thấp, dưới 5%) thì sự thỏa mãn tình dục cũng như tần suất sex đều giảm.

Một nghiên cứu khác cũng kết luận thêm, các đôi mà vợ trình độ giáo dục cao hơn chồng không hề có nguy cơ ly dị cao hơn những cặp khác. Từ trước những năm 1980, các cặp mà người vợ có trình độ giáo dục cao hơn chồng dễ ly dị hơn so với đôi có trình độ tương đồng hoặc chồng ở nấc cao hơn vợ. Hiện nay đã khác. Vợ chồng kết hôn những năm 1990 về sau, cặp có người vợ trình độ cao hơn không gặp phải nguy cơ ly hôn nhiều. Thực tế, có xu hướng tăng nhẹ tỷ lệ ly hôn ở các đôi theo mô hình hôn nhân truyền thống với người chồng học thức cao và người vợ học thức thấp, theo báo cáo của Christine Schwartz, một nhà xã hội học của ĐH Wisconsin – Madison.

Thông tin trên được công bố bởi Hội đồng gia đình đương đại Mỹ (Council on Contemporary Families – CCF). Đây không phải là lần đầu tiên có những thông tin phản biện mô hình hôn nhân truyền thống. Vào tháng 3, một công bố khác của CCF cho thấy những trường hợp sống chung trước hôn nhân không thực sự làm tăng nguy cơ hôn nhân tan vỡ khi bạn đã ở tuổi chín chắn. Sống thử hay cưới trước 23 tuổi có liên quan tới tỷ lệ tan vỡ cao hơn, các nhà nghiên cứu cho biết.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *