(Dân trí) – Từ nhiều năm nay, tổ hòa giải ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số được xem như vị quan tòa nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh cãi. Nhiều mâu thuẫn phát sinh đã được tổ giải quyết công bằng.

“Phá án” nhầm giường, bò phá bắp

Ở nhiều làng của xã Ayun (huyện Chư Sê, Gia Lai), một số người có uy tín, cán bộ, trưởng thôn đã được chính quyền tín nhiệm để xây dựng nên tổ hòa giải nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong làng.

Dựa trên những kiến thức về pháp luật, quy định Nhà nước và đặc biệt là luật làng, những “chánh án” bất đắc dĩ đã tiến hành phân xử một cách công bằng và “thấu tình, đạt lý”. Từ đó giúp cho bà con trong làng hàn gắn tình cảm, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó.

Chánh án làng xử lý người đàn ông say lên nhầm giường... cô hàng xóm - 1

Từ lâu nay, các tổ hòa giải ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã giải quyết nhiều mâu thuẫn nhỏ lẻ, tranh chấp đất đai để tránh “việc bé, xé ra to” (Ảnh: Phạm Hoàng).

Là một nông dân giỏi, chất phác, nhiệt tình, anh Kpă Teo (làng H’Văt, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ hòa giải làng H’Văt. Nhiều năm nay, anh Teo đã cùng với những người uy tín của làng phân xử các vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp đất đai.

Anh Teo bộc bạch: “Mình năm nay 47 tuổi. So với những người trung niên trong làng, mình có ưu thế khi biết cái chữ và làm ruộng, rẫy giỏi. Sau khi được xã đề cử, mình cũng nhận trách nhiệm để giúp bà con hòa giải, tránh “việc bé lại xé ra to”.

Chánh án làng xử lý người đàn ông say lên nhầm giường... cô hàng xóm - 2

Anh Kpă Teo được dân làng xem như “chánh án” để đứng ra phân xử nhiều vụ việc mâu thuẫn trong làng (Ảnh: Phạm Hoàng).Anh

Teo giải thích lý do bà con gọi anh là “chánh án”: “Thường trong làng có việc gì tranh chấp, mâu thuẫn thì mọi người mời mình cùng tổ hòa giải đến xử lý. Mình đứng giữa nghe 2 bên trình bày rồi đưa ra hướng giải quyết một cách công bằng. Từ đó, mọi người quý mến gọi mình là “chánh tòa”, “chánh án”.

Nhiều năm xử lý các vụ mẫu thuẫn của làng H’Văt, anh Teo ấn tượng nhất khi hòa giải chuyện vào nhầm nhà của anh hàng xóm.

Vụ việc xảy ra vào những ngày đầu năm nay, ông Đ.T đi nhậu say, lúc trở về làng đã vào nhầm nhà cô hàng xóm. Vào nhầm nhà nhưng ông T. cứ nghĩ là nhà mình, hồn nhiên cởi quần áo, lần mò đến giường ngủ. Lúc này, chị L. la lên thì ông T. mới giật mình chạy khỏi nhà.

Chồng chị L. đang làm công nhân ở TPHCMM, nghe chuyện kể liền tức tốc đón xe về, sau đó tìm đến anh Teo nhờ phán xử.

Chánh án làng xử lý người đàn ông say lên nhầm giường... cô hàng xóm - 3

Từ những việc hòa giải thành công đã giúp cho uy tín của vị “chánh án” làng được nâng cao (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông T. khi tỉnh rượu đã tỏ ra rất hối lỗi và khẳng định không hề có ý đồ xấu. Chỉ vì say rượu mà ông vào nhầm nhà, tưởng chị hàng xóm là vợ mình mới xảy ra cớ sự.

Khi nghe hai bên kể rõ sự tình, “chánh tòa” Teo phân xử: “Ông T. chỉ vì say đến mức “quên cả lối về” và vào nhầm nhà hàng xóm. Tuy hành động của ông chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đã làm nóng tình hình an ninh, trật tự, hành vi thiếu chuẩn mực, làm mất tình làng nghĩa xóm.

Ông T. đã chịu phạt con heo để xin lỗi gia đình chị L. Người chồng cũng hiểu chuyện mà bỏ qua, bắt tay làm hòa, hàn gắn lại những sứt mẻ tình cảm láng giềng.

Tương tự, trong năm nay,làng H’Văt đã xảy ra chuyện con bò của ông Siu Dep thả rông, vào phá rẫy bắp của nhà ông Đinh Blôi. Theo lệ làng, ông Blôi quyết xử bằng cách chặt gãy một chân bò.

Lúc này, ông Siu Dep lại tìm đến Kpă Teo. Sau khi đến từng nhà tìm hiểu, nghiên cứu vụ việc thật kỹ càng, vị “chánh tòa” phân tích: “Việc con bò ăn phá bắp không phải lỗi của nó mà là lỗi của người chủ. Lý do người chủ không chú ý chăn thả dẫn đến việc vật nuôi phá rẫy của người khác. Con bò không có ý thức phân biệt đúng sai, thấy đói thì nó ăn.

Còn chủ đám bắp vì “của đau, con xót”, giận quá đã trút giận lên con bò. Giá trị con bò lớn hơn khoảnh bắp bị phá rất nhiều nên phải thương lượng, tìm cách giải quyết.

Sau đó, tổ hòa giải đã yêu cầu ông Blôi đền bù cho ông Dep 5 triệu đồng bồi thường chi phí con bò bị thương. “Chánh tòa” yêu cầu đôi bên không được nhắc lại chuyện cũ để tránh những mâu thuẫn không đáng có.

Người chồng “tội đồ” và bản cam kết trước làng

Tương tự, anh Đinh Hnem (37 tuổi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun) cũng là một “chánh tòa” luôn có mặt để phân xử các vụ việc ở làng Keo. Vừa biết cái chữ, lại là cán bộ trong xã nên tiếng nói của anh Đinh Hnem rất trọng lượng. Anh thường cùng với tổ hòa giải làng Keo đưa ra cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Chánh án làng xử lý người đàn ông say lên nhầm giường... cô hàng xóm - 4

Anh Đinh Hnem (áo trắng) là cán bộ xã, thành viên trong tổ hòa giải của làng Keo (Ảnh: Phạm Hoàng).

Anh Đinh Hnem kể: “Thường trong làng có những mâu thuẫn thì tôi cùng ông Đinh Jú (Tổ trưởng tổ hòa giải làng Keo) đi nắm tình hình sự việc để đưa ra hướng giải quyết hài hòa cho đôi bên. Trong làng, những việc phát sinh thường là chuyện tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm.

Tôi phải xử lý sao để công bằng đôi bên mà không mất đi tình làng, nghĩa xóm”.Trong năm nay, anh Đinh Hnem đã giúp đỡ một gia đình hàn gắn tình cảm, tránh được việc vợ chồng ly dị, gia đình ly tán.

Chị Nay H’Ơi cho biết chồng là anh Đinh Âl thường hay nhậu nhẹt, không chịu đi làm nên gia đình ngày càng khó khăn. Những tháng gần đây, anh còn đánh vợ, ẩu đả cả gia đình vợ. Sau nhiều tháng chịu khổ cực, chị muốn ly dị.

Chánh án làng xử lý người đàn ông say lên nhầm giường... cô hàng xóm - 5Nhờ những tổ hòa giải đã giúp cho địa phương giữ gìn an ninh trật tự; thắt chặt tình nghĩa xóm, đoàn kết với nhau (Ảnh: Phạm Hoàng).

Vì không muốn ly dị nên anh Đinh Âl đã nhờ anh Đinh Hnem đến phân xử, nói chuyện giúp với vợ và gia đình vợ. Sau khi nghe chuyện, anh Đinh Hnem dẫn người chồng “tội đồ” đến gặp vợ và gia đình nhà vợ để lập cam kết chăm chỉ làm ăn và không bao giờ bạo hành vợ.

Anh chồng cũng đã bỏ ra một con heo để sang mời gia đình vợ và làng xóm. Nhờ việc lập lời hứa trước họ hàng và dân làng, chị Nay H’Ơi đã chấp nhận tha thứ cho chồng.

Anh Hnem cho hay: “Để hòa giải hiệu quả thì phải đến từng nhà tìm hiểu cặn kẽ, kỹ lưỡng từng vụ việc. Phải tường tận những tình tiết phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp rồi mới phân tích, đưa ra hướng giải quyết.

“Qua nhiều vụ hòa giải, tôi đều tự rút kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật liên quan. Ngoài ra, người làm việc hòa giải phải biết cách vận dụng linh hoạt giữa lệ làng và những quy định của pháp luật thì mới thành công”, anh Hnem chia sẻ bí quyết.

Ông Nguyễn Đức Cường – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: “Nhiều mâu thuẫn, xã rất khó can thiệp vì là những chuyện nhỏ lẻ, liên quan đến phong tục, tập quán. Chính vì vậy, mỗi làng xã đã thành lập nên những tổ hòa giải với những người uy tín, cán bộ, trưởng thôn nhằm kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn trong làng. Nhờ những tổ hòa giải đã giúp cho địa phương giữ gìn an ninh trật tự; thắt chặt tình nghĩa xóm, đoàn kết với nhau”.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *