Theo tài liệu báo chí cũ, một trong những người làm nghề thám tử tư đầu tiên ở VN là ông Lê Văn Lương với văn phòng thám tử tư đặt tại 109A Pasteur, Sài Gòn cũ mang tên “Lelion Lefort Agency” mà ông khởi nghiệp từ năm 1962.
Thám tử Lê Văn Lương thời trai trẻ
Ông Nguyễn Hữu Vinh, giám đốc Công ty Điều tra & bảo vệ – V, trao cho chúng tôi một địa chỉ và chúng tôi tìm về quê ông Lê Văn Lương tại thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, Kim Bảng (Hà Nam)…
Đường về xã Kim Bình len lỏi qua những cánh đồng lúa bát ngát xanh đương thì con gái ngào ngạt hương trong tiết thu chiều. Địa chỉ hỏi thăm là nhà bà Tâm, mẹ ông giáo Chinh. Một cô gái đưa chúng tôi đến tận cánh cổng đung đưa bao nhiêu hoa và nói: nhà bà Tâm đây!
Một bà già mở cổng đưa chúng tôi theo con đường gạch nhưng ngược dốc dẫn vào căn nhà nhỏ đơn sơ, tĩnh lặng khác thường. Bên phải bộ bàn ghế cũ kỹ chơ vơ đĩa ấm chén con là chiếc giường buông màn lặng lẽ đến ái ngại. Bà già mở cổng ban nãy khẽ khàng gọi vọng vào màn: “Mẹ ơi, nhà ta có khách!”.
Tấm màn hơi chao động, một cụ bà gầy guộc nhỏ bé run rẩy vén màn. Bà ngước cặp mắt đục mờ nhìn chúng tôi như cố bày tỏ sự mừng rỡ. Người đi cùng tôi hôm đó là nhà báo già Thuận Giang, là bạn của con cụ. Ông Thuận Giang nói: “Đây là vợ cả cụ Lương, bà Lê Thị Tâm”.
Hôm nay là ngày giỗ cụ Lương, trên bàn thờ là di ảnh người đàn ông quắc thước đạo mạo chừng ngoài 70 tuổi. Gương mặt chữ điền, miệng rộng, trán cao và mái tóc bạc trắng của ông không giấu được nét kiêu bạc và chất phong trần một đời trai. Bên cạnh bàn thờ ông là tấm bằng tiến sĩ danh dự của Trường đại học Los Angeles cấp cho ông. Chúng tôi xin phép bà Tâm thắp cho ông nén nhang và nghe câu chuyện về cuộc đời của một “ông tổ” thám tử VN.
Ông Lê Văn Lương sinh năm 1913 trong gia đình có truyền thống nho học tại chính căn nhà này. Năm 17 tuổi, ông lấy bà Lê Thị Tâm là người khác thôn nhưng cùng xã, cùng tuổi và xinh đẹp nhất vùng. Ông Lương làm nghề dạy học, vợ trồng lúa, dệt cửi. Cuộc sống êm đềm như bóng tre mùa thu. Nhưng khát vọng đã căng đầy trong huyết quản chàng trai trẻ.
Sau đó ông Lương rời quê, xa vợ con lên Hà Nội học. Những năm tháng ở đất phồn hoa ông Lương đã quen cô Tường Vi xinh đẹp, đài các và học giỏi. Tường Vi lại là con nhà thế phiệt trâm anh. Anh trai cô chính là quốc vương Bảo Đại. Hai người tâm đầu ý hợp và ông Lương đã đưa Tường Vi về quê tổ chức đám cưới, bất chấp sự phản đối của gia đình.
Ở Sài Gòn, văn phòng thám tử của ông Lương hoạt động đến năm 1974 thì đóng cửa. Năm 1979, khi gần sang tuổi thất thập, ông lại một lần nữa phiêu bạt xứ người, sang Canada sinh sống. Cánh chim giang hồ tung bay bốn biển năm châu nhưng đến những năm cuối đời lại hướng về quê nhà. Năm 1995 khi 82 tuổi, ông trở về đúng căn nhà xưa ở nơi chôn nhau cắt rốn cùng người đàn bà đầu tiên của đời mình đã vò võ đợi ông gần một thế kỷ. Năm 2001 thám tử Lê Văn Lương qua đời và được mai táng tại quê nhà… |
Sống ở Hà Nội một thời gian, ông Lương vào làm giáo viên Trường Quốc học Vinh, rồi Quốc học Huế. Tuy là người có máu phiêu bạt phong tình nhưng ông Lương không bao giờ đắm chìm trong thanh sắc mà lúc nào cũng học hỏi, tìm tòi, khao khát vươn lên.
Khi vào tới Sài Gòn, ông Lương lấy thêm hai bà vợ. Bà vợ tư tên là cô Nhiều, ở hẻm Kỳ Đồng nên gọi là Tư Kỳ Đồng. Lúc này ông đã học thành thạo năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Nhật, Nga cùng nhiều bằng cấp về luật pháp, kinh tế và võ thuật.
Ông Lương đưa hai con của vợ cả vào cùng ở nhưng rồi ông bị chính quyền thân Pháp bấy giờ bắt giam vì đã có thời ông làm giáo viên dạy tiếng Nhật. Thoát khỏi chốn lao lung, gia đình tan nát, ông Lương làm đủ thứ nghề, thịnh vượng nhất là khi ông làm luật gia với văn phòng tư vấn pháp lý. Từ văn phòng này ông Lương thường xuyên sang Hong Kong tìm hiểu nghề thám tử tư.
Đến năm 1962 ông mở văn phòng thám tử tư tiếng tăm nhất Sài thành và trở thành một trong những người nắm giữ nhiều thông tin làm ăn và đấu đá của giới doanh nhân, chính khách chóp bu của chế độ Sài Gòn.
Theo lời kể của nhà báo Thuận Giang, ở Sài Gòn thời ấy, tòa nhà số 109A đẹp nhất phố Pasteur có nhiều gia đình đang ở, đã được bán cho một ông chủ với giá 300 lượng vàng. Ông chủ đập nhà cũ và xây nên tòa nhà lộng lẫy hơn xưa nhiều phần rồi treo lên tấm biển Lelion Lefort Agency và hàng chữ tiếng Việt là Văn phòng thám tử tư.
Người ta thường thấy lui tới đây một người đàn ông cao lớn, đạo mạo đi chiếc xe hơi hiệu Mercedes SE 280, một trong ba chiếc xe sang trọng nhất Sài Gòn bấy giờ. Hai chiếc xe còn lại do ông chủ hãng xây dựng người Pháp và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sở hữu.
Theo nhà báo Thuận Giang, thám tử Lê Văn Lương đã điều tra nhiều vụ việc tham nhũng, buôn lậu nổi tiếng trong bộ máy giới chức và kinh doanh ở Sài Gòn thời bấy giờ. Tại tòa nhà rộng mấy trăm mét vuông đó luôn có những ông bảo vệ, bà bán nước, người trực cầu thang là tai mắt của thám tử Lương. Văn phòng thám tử này thịnh vượng hàng chục năm trời và trở thành một thế lực trong xã hội Sài Gòn cũ.
Nhà báo Thuận Giang còn cho biết chính ông được ông Lương tâm sự về ý tưởng làm thám tử của mình. Thuở nhỏ ông Lương rất ngưỡng mộ tác phẩm Thám tử Lê Phong của Thế Lữ. Hình tượng thám tử Lê Phong khắc sâu vào tâm trí con người giàu nhiệt huyết, trí tuệ và máu giang hồ này nên đến khi có thể thì ông đã biến giấc mơ thời trai thành hiện thực. Và ông Lương lấy tên cửa hiệu Lelion Lefort Agency có nghĩa là Hãng Lê Lương – Lê Phong.
Tâm nguyện đó ít người được biết, nhưng sau này cháu đích tôn ông Lương mở một cửa hiệu kinh doanh trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng lấy tên cửa hiệu Lê Phong.