Tôi phát hiện vợ ngoại tình với đồng nghiệp ở công ty nhưng tôi bỏ qua mọi lỗi lầm để cả hai sống có trách nhiệm với con. Tuy nhiên vợ vẫn đòi ly hôn. (Quang Thành).
Cô ấy nói “không còn tình cảm thì chia tay”; hiện tại, tôi vẫn chưa ký đơn ly hôn vì không muốn con gái (hơn 3 tuổi) phải sống thiếu tình thương của cha hoặc mẹ.
Thời gian gần đây, vợ tôi liên tục đi sớm về khuya, không chăm sóc con (một mình tôi đưa đón con đi học, tắm rửa, cho con ăn uống…), mỗi lần tôi góp ý thì vợ lại đòi ly hôn và giành quyền nuôi con gái.
Thực sự tôi không muốn nhưng vợ tôi quyết tâm đơn phương ly hôn thì tôi có giành được quyền nuôi con hay không? Hiện tại, tôi rất sợ cảnh con gái phải ở với mẹ, vì vợ tôi ít quan tâm đến con, thường xuyên ăn nhậu với nhân tình…
Luật sư tư vấn:
Nếu bạn thực sự không muốn ly hôn để con gái sống đầy đủ tình thương của cha mẹ, không bị tổn thương bởi việc ly hôn của cha mẹ thì bạn và vợ nên ngồi lại nói chuyện, phân tích vấn đề cho vợ hiểu. Bạn có thể nhờ hai bên gia đình hòa giải nhằm duy trì tình cảm gia đình, tránh việc tan vỡ hôn nhân.
Về mặt pháp lý:
Theo điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Theo khoản 1 điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Theo khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được về việc nuôi con (ai cũng muốn giành quyền nuôi con) thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Các quyền lợi của con được xét đến như sau:
Về kinh tế:
Cha hay mẹ có điều kiện kinh tế tốt hơn để chăm sóc con (công ăn việc làm, thu nhập hàng tháng, tài sản riêng…).- Về sức khỏe: Cha hay mẹ có điều kiện sức khỏe tốt hơn để nuôi con (bệnh tật hay khỏe mạnh, tâm thần có bình thường hay không…).
Về tinh thần:
Cha hay mẹ có điều kiện tốt hơn về thời gian bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (ví dụ: quan tâm con hay bỏ bê con đi chơi…).
Do đó, nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì cần cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ nêu trên và khác (nếu có) thể hiện bạn nuôi con thì quyền lợi của con sẽ được đảm bảo tốt hơn vợ nuôi con.
Luật sư Phạm Thanh HữuĐoàn luật sư TP HCM