Thứ bảy, 10:26 AM 12/02/2022Pháp luật gia đình

 

BÁO NÓI – 4:56

Những người lợi dụng tục “bắt vợ” để xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác có thể bị xử lý hình sự…

Trên mạng xã hội gần đây liên tiếp lan truyền những clip bị cho là “bắt vợ”. Tại Hà Giang, Công an huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Công an xã Pả Vi phối hợp với công an các xã Giàng Chu Phìn, Pải Lủng khẩn trương tiến hành xác minh vụ việc.

Kết quả cho thấy, nam thanh niên có mặt trong clip được xác định là Giàng Mí Ch. (SN 2006), trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn; cô bé bị Ch. kéo là Vàng Thị S. (SN 2008), trú tại thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, cùng huyện Mèo Vạc.

Công an làm việc với bé Vàng Thị S. thì được biết, S. và Giàng Mí Ch. đã quen nhau trên mạng xã hội zalo từ ngày 4/2/2022.

Sau khi quen biết, 2 em thường xuyên nhắn tin nói chuyện. Nội dung các tin nhắn thể hiện Ch. có tỏ tình với bé S. và rủ đi chơi. S. đồng ý đi chơi cùng Ch. nhưng chưa nhận lời yêu, vì nghi ngờ Ch. đã có người yêu.

Khoảng 10h ngày 7/2, hai em hẹn gặp nhau tại Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng để cùng nhau đi chơi. Đến khoảng 15h30 thì S. bảo Ch. đưa về vì sợ muộn.

Lúc này, Ch. nói với S. ở lại chơi và có nói lời yêu đương, kéo S., định đưa về làm vợ theo phong tục. Tuy nhiên, S. không đồng ý vì cho rằng Ch. đã có người yêu rồi, chỉ lừa S. thôi. Ch. chỉ kéo tay và vai S., không có hành động sàm sỡ.

Theo cơ quan công an, anh Vàng Mí Già (SN 1988, chú ruột đại diện gia đình bé S.), cho biết sau khi sự việc xảy ra, bé S. cũng đã nói chuyện với gia đình, trực tiếp anh Già đi đón cháu về.

Gia đình không có đề nghị với cơ quan chức năng về việc này vì hai cháu đã có nhắn tin nói chuyện, đồng ý đi chơi với nhau và đây cũng là phong tục của đồng bào người Mông.

Căn cứ các tài liệu thu thập được, Công an huyện Mèo Vạc nhận thấy không đủ căn cứ để xử lý hành vi của Giàng Mí Ch. về tội bắt, giữ hoặc tạm giam người trái pháp luật cũng như xử lý vi phạm hành chính.

Còn tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), các cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh việc “bắt vợ” xảy ra tại địa bàn.

Trước đó, vào ngày 6/2 (tức mùng 6 Tết), H.T.M. (16 tuổi, ở phường Sa Pa, thị xã Sa Pa) bị G.A.T. (20 tuổi, ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa) cùng 1 nhóm khoảng 5-6 người khác đi “bắt vợ”.

Trong đoạn clip người dân quay lại cho thấy, H.T.M. bị nhóm nam thanh niên lôi, kéo đưa lên xe taxi, bất kể thiếu nữ cố gắng chống cự, nằm vật ra đường để mong thoát thân.

Lợi dụng tục 'bắt vợ' có thể bị xử lý hình sự - Ảnh 1.

Hình ảnh thiếu niên “bắt vợ” gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip

Theo chính quyền địa phương, “bắt vợ” là hình thức biến tướng của tục “kéo dâu”, vốn là phong tục truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc H’Mông.

Tục “kéo dâu” chỉ được thực hiện khi cặp nam nữ yêu nhau thật lòng, và mục đích của tục này là rút gọn các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, kết hôn…

Việc “bắt vợ” đã bị biến tướng bởi có những hành động ép buộc, khống chế người phụ nữ mà không có sự chấp thuận của họ.

Lợi dụng tục “bắt vợ” có thể bị xử lý hình sự

Những câu chuyện trên không phải hiếm mỗi đợt xuân về. Trên không gian mạng lan truyền những clip ghi lại hình ảnh những cô gái, thậm chí là những bé gái người dân tộc bị “bắt vợ”.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích, tục “bắt vợ’ của người H’Mông là nét truyền thống văn hóa, nhưng đang có những hành vi lợi dụng trở thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân.

Bởi vậy, những người lợi dụng tục “bắt vợ” để xâm phạm đến quyền tự do thân thể của người khác, có thể bị xử lý hình sự.

Theo luật sư, pháp luật Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc.

Đối với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng phong tục tập quán để thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo phân tích của Tiến sĩ Đặng Văn Cường, thực hiện “bắt vợ” mà tảo hôn hoặc người đã thành niên kết hôn với người chưa đủ 16 tuổi thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt giữ người trái pháp luật, tội Tổ chức tảo hôn, thậm chí có thể bị xử lý về tội Giao cấu với người chưa đủ 16 tuổi hoặc tội Hiếp dâm…, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp có căn cứ cho thấy đây là hành vi lợi dụng phong tục tập quán lạc hậu để bắt người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự với người vi phạm về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể của công dân.

Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, trường hợp lợi dụng tập quán “bắt vợ” của người đồng bào dân tộc vùng cao để bắt, giam, giữ người trái pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Chính quyền địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng cao cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiên quyết loại trừ những hủ tục, gìn giữ phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc.

Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân, cần có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra”, lời luật sư Đặng Văn Cường.

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *